Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, vào lúc 9 giờ 10 phút, ngày 16/6/2016 máy bay tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 cất cánh từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đến vùng biển Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng) thì mất liên lạc khi đang trên đường tìm kiếm tung tích phi công Su-30.
Trên phi hành đoàn mất tích gồm 6 sĩ quan và 3 quân nhân thuộc Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân.
Căn nhà nơi thờ cúng Trung tá Nguyễn Ngọc Chu ở thôn Tiên Kiều, xã Thanh Hồng. Ảnh: Đ.Tuỳ
Sau gần 1 năm sau, PV Báo Gia đình & Xã hội trở lại gia đình Trung tá Nguyễn Ngọc Chu (SN 1976), phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918, là 1 trong 9 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn trên máy bay máy bay CASA - 212 tại thôn Tiên Kiều, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương).
Trong căn nhà nhỏ tang thương và ngập tràn đau thương ngày nào giờ đã nhường chỗ cho cuộc sống yên bình và những thân nhân của Trung tá Chu đã dần lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Bà Phùng Thị Thuận (69 tuổi, mẹ anh Chu) cho biết: “Gần một năm qua, gia đình tôi đã trải qua nhiều biến cố đau thương, nhưng sự mất mát thì vẫn còn đó, nếu cứ đau buồn với quá khứ thì sống còn khổ hơn vì người mất cũng đã mất rồi”.
Theo lời kể của bà, sau khi hoàn tất lễ an táng của con trai tại nghĩa trang liệt sĩ, gia đình ai cũng buồn tủi, hụt hẫng, riêng chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1981, vợ anh Chu) phải mất thời gian dài mới trở lại đi làm bình thường để làm chỗ dựa cho gia đình và nuôi hai con nhỏ, trong đó cháu gái lớn học lớp 2, cháu trai út 5 tuổi.
8 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Thắng (bố anh Chu) nằm liệt giường do di chứng của chiến tranh. Ảnh: Đ.Tuỳ
Hướng ánh mắt về phía trong nhà, nơi ông Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1945, bố Trung tá Chu) đang nằm liệt giường 8 năm nay, bà Thuận lại thở dài ngao ngán. Nếu đi vắng thì không sao, lúc về nhìn thấy di ảnh của con trai và chồng nằm một chỗ thỉnh thoảng kêu ú ớ lại khiến bà buồn tủi.
“Hôm lễ tang của con trai khi thấy mọi người đọc tên Chu thì ông ấy còn biết và khóc, nhưng đến nay sức khoẻ càng yếu và không còn biết gì nữa. Ai vào hỏi cũng gật đầu xong rồi lại ngơ ngác nhìn”, bà Thuận nghẹn ngào.
Nhớ lại ngày anh Chu cùng đồng đội gặp nạn trên biển khi đang đi thực hiện công tác cứu hộ, bà Thuận luôn có linh cảm bất an. Lúc này, nhiều người trong gia đình biết chuyện nhưng không ai nói, sợ bà không giữ được bình tĩnh và vượt qua cú sốc lớn. Tuy nhiên, bằng linh cảm của người mẹ, bà đã nhận ra điều đó.
Mẹ Trung tá Chu kể: “Khi biết tin chiếc máy bay chở 9 chiến sĩ gặp nạn trên biển, tôi nghĩ ngay đến con trai. Từ lúc đó trở đi trong người tôi thấy nôn nao và khác lạ. Sau đó, thấy người thân sang nhà ngồi chơi không nói gì mà cứ nhìn tôi rồi thở dài, nên tôi đã có cảm nhận bất an”.
Gia đình thân nhân Trung tá Chu mong muốn sớm nhận được chế độ liệt sĩ. Ảnh: Đ.Tuỳ
Biết có thể xảy ra chuyện không hay với anh Chu, cho nên bà Thuận đã gọi điện hỏi thăm, nhưng mỗi lần bên kia nhận điện đều là người khác, khi thì vợ, lúc là đồng đội và nói anh Chu đi vắng…
Gần 1 năm qua là quãng thời gian không thể nào làm cho nỗi đau mất con, mất chồng của những người thân Trung tá Chu lắng xuống. Khi tất cả mọi chuyện qua đi, bà Thuận cùng mọi người lại trở về với cuộc sống thường ngày và mỗi khi đến ngày lễ, Tết bà lại mong ngóng anh trở về thăm nhà khi lúc còn sống.
Bà Thuận tâm sự: “Ngày còn sống, cứ được nghỉ 2 ngày hay trong gia đình, họ tộc có công việc là con tôi về nhà. Riêng Tết cả hai vợ chồng cùng các con đều về lo sắm sửa, cho nên ai trong làng xóm và họ hàng cũng quý mến. Đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ con mình đi công tác đâu đó chưa về chứ không phải đã hi sinh. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn nên bàn thờ thấy di ảnh của con, tôi lại không cầm được nước mắt”.
Cũng từ khi nhận được tin anh trai gặp nạn đến nay, anh Nguyễn Văn Bốn (SN 1981, em ruột anh Chu) thời điểm đó đang lao động tại Đài Loan đã xin về trước thời hạn ở nhà lo công việc. Khi mọi việc xong xuôi, anh xin làm ở gần nhà để cùng mẹ chăm sóc bố và hương khói cho anh Chu.
Đến lúc này, bà Thuận luôn nghĩ anh Chu chưa hi sinh mà chỉ đi công tác xa chưa về. Ảnh: Đ.Tuỳ
Trước ngày 49 của anh Chu, gia đình bà Thuận còn xúc động hơn khi biết tin anh Được quê tỉnh Thanh Hoá làm nghề đánh bắt cá ở biển có vớt được chiếc quần và ví của con trai. Sau đó, anh Được đã thông tin cho các cơ quan chức năng và hiện nay chiếc ví của anh Chu đã được gia đình chị Trang lưu giữ cẩn thận.
Theo người nhà anh Chu, sau khi anh cùng đồng đội được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công, được Bộ Quốc phòng quyết định nâng lương một lần, thăng một bậc quân hàm và được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Chị Trang cùng gia đình đã làm giấy tờ thủ tục chuyển đến cơ quan chức năng để anh Chu được hưởng chế độ liệt sĩ nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
"Hoàn cảnh gia đình tôi hiện tại chỉ biết trông chờ vào tiền thương tật của chồng, cho nên nếu như được hưởng chế độ liệt sĩ sớm ngày nào thì tốt ngày đó. Trong khi, 8 năm nay, chồng tôi nằm liệt giường lúc nào cũng cần người chăm sóc”, bà Thuận cho biết.
Đức Tùy
Đăng nhận xét